Khi bánh Cúng không dùng để Cúng
Mình là Mai Anh, trở lại với chủ đề ẩm thực trên Look Việt Nam, mình sẽ giới thiệu với các bạn một trong những đặc sản mà mình yêu thích nhất: Bánh Cúng miền Tây.
Thoạt nghe cái tên này nhiều người sẽ nghĩ rằng chắc hẳn món ăn này được tạo ra chủ yếu để cúng ông bà, trời đất, tổ tiên thế nhưng sự thật lại hoàn toàn khác xa so với những gì chúng ta nghĩ.
Theo Mai Anh được biết thì cái tên ban đầu của món bánh này là bánh cuốn cơ, vì món bánh này được cuốn bằng lá rất đặc trưng. Song về sau, do tránh nhầm lẫn với món bánh cuốn thịt mà chúng ta ăn với nước mắm, bà con đã gọi lái món bánh này lại là bánh Cúng để phân biệt mà thôi.
Nguyên liệu đơn giản nhưng ăn thì ngon đến bất ngờ
Món bánh này được làm từ những nguyên liệu gần như có sẵn trong nhà của bất cứ gia đình nào ở miền Tây như bột gạo, lá dứa, nước dừa, lá chuối, … thế nhưng sau khi ra lò lại cho mùi vị ngon đến bất ngờ.
Bánh có hình dạng thuôn dài, bên ngoài được bao bọc bằng lá chuối, có khi được cột bằng chính dây lá chuối nhưng có khi được cột bằng dây nhựa. Và loại bánh này khi bán thì ít ai bán 1 – 2 cái mà người bán thường bó lại làm một bó 10 cái.
Bởi đơn giản là bánh này ăn rất dễ gây nghiện, và việc 1 người “chén” hết 10 bánh/lần cũng là chuyện quá đỗi bình thường.
Quy trình để làm ra bánh Cúng
Để làm được bánh cúng thì trước tiên người ta phải làm khuôn bánh. Khuôn bánh được làm từ lá chuối tươi. Lá chuối sau khi cắt về sẽ được rửa và lau sạch rồi cắt ra thành từng miếng vuông.
Miếng lá chuối vuông này sẽ được cuộn theo chiều xéo để thành một ống thuôn dài. Để thao tác cuộn trở nên dễ dàng thì người ta thường tận dụng cọng lá chuối hoặc thanh tre có đường kính phù hợp để cố định phần lá và giúp cho khuôn bánh nào cũng có kích cỡ đều nhau.
Sau khi cuộn lá chuối xong thì người ta sẽ cột chặt một đầu lại sao cho thật kín để nước không thể tràn ra được.
Cũng dễ như phần khuôn, phần bánh bên trong thường được làm từ bột gạo, đa phần các nhà sẽ tự xay gạo để tăng độ ngon cho bánh. Sau đó phần bột gạo này được pha thêm nước cốt dừa, một ít muối, đường để tăng vị. Nếu thích thì có người cho thêm hành lá cắt nhuyễn vào khuấy chung với bột.
Sau khi đã chuẩn bị xong phần bột bánh thì lúc này chỉ việc đổ bột gạo đã pha loãng vừa phải vào khuôn bánh. Do một đầu khuôn đã được cột chặt nên cho dù đổ chất lỏng vào cũng không bị trào ra ngoài nhé. Sao khi bột đã được đổ đầy khuôn thì người ta sẽ gấp đầu khuôn lại và dùng dây cột chặt là xong.
Bánh sau khi chín thường rất khó để bóc vỏ ăn liền vì lúc này bánh cực nóng, hơn nữa bánh lúc còn quá nóng thường dễ bị nhão nên sẽ không ngon.Vì vậy, bạn phải đợi cho bánh hơi nguội, săn lại và dai hơn thì hương vị sẽ ngon hơn rất nhiều.
Khi bánh đã giảm độ nóng, bạn chỉ cần tháo dây cột bánh ra, rồi mở từng lớp lá chuối đang cuộn tròn thì sẽ nhìn thấy phần bánh dẻo trắng nõn bên trong. Có nơi người ta còn trộn nước lá dứa xay nên bánh sẽ có màu xanh lá đẹp mắt chứ không hẳn chỉ có màu trắng đục như sữa.
Bánh khi ăn sẽ hơi dẻo, béo mềm nhưng không ngấy chính vì thế mà một người có thể xơi đến 10 cái cũng không có gì ngạc nhiên. Trước đây món bánh này rất phổ biến tại miền Tây và được ví là món bánh ăn chơi được người dân làm để nhấm nháp mỗi khi buồn miệng.
Song càng về sau, do sự xuất hiện của nhiều món bánh ngon hơn hấp dẫn hơn thì món bánh này cũng dần dần giảm đi sự phổ biến của mình nhưng trong lòng của những người con miền Tây thì món bánh này mãi mãi là món bánh mang vị quê nhà, mang đậm ký ức một thời tuổi thơ.
Hiện tại nếu như chưa có dịp để đi miền Tây nhưng bạn muốn ăn thử món bánh này thì hoàn toàn có thể tìm đến các nhóm bán đặc sản miền Tây tại nhiều group trên Facebook. Món bánh này cũng thường được gửi lên bán bởi một số người bán do đó bạn có thể đặt mua và ăn thử cho biết nhé.